Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Xem Đông Kinh Cổ Nhạc ở phố cổ: Giao duyên nhạc xưa và nay

Phóng viên - 06/02/2019 | 8:54 (GTM + 7)

VOVGT - Nhóm nghệ sĩ Đông Kinh Cổ Nhạc suốt 4 năm qua luôn tìm tòi những thể nghiệm mới lạ, khoác lên âm nhạc cổ truyền một bộ y phục gần gũi và hiện đại.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Khu phố cổ Hà Nội hiện đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch tới Thủ đô với những nét ẩm thực tinh tế, cùng văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Nơi đây không chỉ là “lãnh địa” của âm nhạc dành cho giới trẻ, như: Pop, Rock, Jazz… mà còn quy tụ nhiều nghệ sĩ nhạc dân tộc cổ truyền.

Từ xẩm, chầu văn, ca trù, đến chèo, tuồng, ngâm thơ mới… được thể hiện bởi sự ngẫu hứng của nghệ sĩ trong không gian khu phố cổ. Tất cả tạo nên một hấp lực mạnh mẽ!

Và trong số những mảnh ghép tạo nên bức tranh âm nhạc đa dạng và sống động ấy, thật thiếu sót nếu không nhắc đến Đông Kinh Cổ Nhạc – nhóm nghệ sĩ suốt 4 năm qua luôn tìm tòi những thể nghiệm mới lạ, khoác lên âm nhạc cổ truyền dân tộc một bộ y phục gần gũi và hiện đại hơn.

NSND chèo Thanh Hoài và NSND nhạc cổ truyền Xuân Hoạch trình diễn

Một trong số đó là bài hát “Quán trọ” do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Điểm đặc biệt, tác phẩm đã được các nghệ sĩ nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc phối lại theo lối hát vè, vừa thân thuộc lại mới mẻ. Có lẽ, chính điều này đã hấp dẫn du khách cả trong nước lẫn quốc tế tìm đến không gian của Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, khi vào lúc này, các chỗ ngồi đều đã kín.

Và để tìm hiểu rõ hơn về sự thể nghiệm của các nghệ sĩ, hãy cùng nghe NSƯT Kiều Oanh người vừa trình diễn tác phẩm chia sẻ:

“Quán trọ là bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng tôi phải chuyển sang lối hát vè, có thêm một làn điệu tiêu khúc nữa, cũng rất khó. Tuy nhiên, trong một chuyến công diễn đến Huế, chúng tôi đã được đón nhận từ gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và khán giả. Tôi rất vui khi diễn xong, mọi người lên mọi người nghĩ rằng, tôi là người Huế”.

Nghệ sĩ tuồng Kiều Oanh là một thành viên của Đông Kinh Cổ Nhạc, nhóm nhạc bao gồm rất nhiều bậc thầy về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hà, NSND tuồng Minh Gái, NSND chèo Thanh Hoài, NSND nhạc cổ truyền Xuân Hoạch, NSƯT ca trù Thanh Bình, người sắp trò Đàm Quang Minh…

Với nhiệt huyết làm sống dậy âm nhạc dân tộc, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã hợp tác cùng Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội tổ chức định kỳ mỗi tháng 1 lần biểu diễn tại sân khấu của Trung tâm (địa chỉ 50 Đào Duy Từ).

Và suốt 4 năm nay, sân khấu này là nơi chốn quen thuộc dành cho những du khách yêu mến âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Anh Vũ Đình Nho, một khán giả sống ở Hà Nội, cho hay, anh đã rủ cả gia đình với vợ, con gái và chị gái mình đến xem bằng được chương trình “Chuyện nhạc phố cổ” với chủ đề “Tiếng nhạc xưa”.

“Hôm qua, tôi đi trên xe có nghe một điệu hát chèo thực sự rất hay. Tôi bảo con gái tra trên mạng xem chỗ nào chuyên hát chèo không. Những hình tượng như cô Thị Màu lên chùa đem cho tôi cảm giác mà không có loại hình nghệ thuật nào mang lại sự xúc động như thế. Chắc chắn, từ thứ Bảy, chủ nhật tới, bố con tôi sẽ đi liên tục”.

Là một người yêu mến Hà Nội, yêu phố cổ và âm nhạc dân gian Việt Nam, ông Hisashito (du khách Nhật Bản) cho rằng, việc dàn dựng lại những màn trình diễn truyền thống sẽ giúp người xem hình dung dễ dàng hơn về nét văn hóa nghìn năm văn hiến của người xưa.

“Tôi cho rằng đây là dự án âm nhạc rất thiết yếu với không chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia khác cũng nên có. Vì nó tái hiện một cách sinh động cho thế hệ ngày nay biết, hiểu và cảm nhận được văn hóa của thế hệ tiền nhân. Qua đó, còn là cách quảng bá vô cùng đặc sắc, ấn tượng với du khách trên thế giới về âm nhạc dân gian truyền thống của Việt Nam. Vì không phải ở đâu, bạn cũng có thể nghe được những làn điệu tuyệt vời này”.

Một điểm độc đáo trong các chương trình của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc là phục dựng nguyên bản không gian trình diễn nhạc xưa, không dùng bất cứ dụng cụ khuếch đại âm thanh nào. Nghệ sĩ đàn hát trực tiếp, giúp toát lên hết vẻ đẹp của âm nhạc cổ truyền, vốn hay ở độ rung, nảy, rền, vang, truyền thẳng xúc cảm đến khán giả.

Bên cạnh đó, không ở đâu khác có những nghi lễ hát cổ nhạc, như hình thức ném thẻ của khán giả thưởng cho người hát hoặc chơi đàn hay. Người xem như được hòa mình vào vị trí thưởng thức của người xưa, cảm và thấm được chất dân gian trong âm nhạc cổ truyền.

Ngoài việc được tiếp cận với những nghệ sĩ bậc thầy về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, khán giả cũng được thỏa trí tò mò về các bộ nhạc cụ cổ mà các cụ ông, cụ bà sử dụng xưa kia. Nào đàn dây, bộ phách, trống cơm, nào trống trầu, mõ, đàn nhị, rồi đàn bầu, đàn nguyệt đàn tranh, đàn hồ…

Mỗi nhạc cụ đều là một câu chuyện dài và thú vị, có hẳn một đời sống riêng trong dòng chảy âm nhạc dân tộc.

Một khán giả họa lại màn trình diễn của các nghệ sĩ

Trong vai người sắp trò, giới thiệu, chuyển tiếp và phối các tiết mục, nghệ sĩ Đàm Quang Minh trải lòng:

“Các cụ ngày xưa có lối hát thẻ, và mỗi tiếng hát, tiếng đàn hay thì các quan viên, người nghe hát sẽ ném một cái thẻ vào chậu đồng. Thẻ đấy là một khoản tiền được quy ước bởi cộng đồng với nhau. Ngày hôm nay, chúng tôi cũng muốn có một không gian âm nhạc truyền thống, người nghe vừa thưởng thức vừa có thêm sự tương tác với âm nhạc truyền thống theo phong cách cổ truyền của dân tộc ta. Đó cũng là nét độc đáo của chương trình, và tôi hy vọng rằng, khán giả sẽ ủng hộ phong cách đấy, để tiếng nhạc cổ được lan truyền, được sống bằng những hành động thực của mỗi cá nhân khi đến thưởng thức”.

Ngồi xem chương trình “Tiếng nhạc xưa” rất say sưa, chị Nguyễn Thị Ngọc Khánh lấy làm tiếc vì ở Việt Nam hiện còn quá ít những chương trình nhạc dân tộc vừa chất lượng, lại vừa đông khán giả đến xem như thế. Chị Ngọc Khánh chia sẻ một câu chuyện từng chứng kiến:

“Tối hôm qua, gia đình mình cũng đến nhà hát chèo ở Kim Mã, nhưng điều hơi buồn là một chiếu chèo mà chỉ có hơn chục khán giả. Mình nghĩ là do truyền thông hoặc công việc bảo tồn bản sắc đang bị mất đi.Bây giờ, ngoài các quán ăn rất đông, món ăn vật chất rất nhiều, nhưng món ăn tinh thần thì bị lãng quên. Có thể, thế hệ như mình thì mải mê với công việc mà chưa đến được, nhưng thế hệ trẻ, con cái mình thì nên dẫn dắt chúng, đưa vào đây để nuôi dưỡng tâm hồn. Mình rất là thương bốn, năm chục nghệ sĩ biểu diễn mà chỉ mấy người xem như vậy”.

Những suất diễn âm nhạc cổ truyền dân tộc có nhiều khán giả thế này vẫn chưa nhiều

Nhận thấy điều này, nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc đã có cách tiếp cận hiện đại và thân thiện, phù hợp với sự tự do, phóng khoáng của thế hệ trẻ ngày nay. Đừng ngạc nhiên, khi ở suất diễn, bạn được nghe lối hát, lối diễn cầu kỳ, kỹ càng, theo đúng khuôn mẫu, còn ở suất diễn khác, Đông Kinh Cổ Nhạc lại đem đến những thể nghiệm mới lạ như nhạc cổ diễn xướng thơ Việt Nam, thơ thế giới. Chẳng hạn, thơ Nguyễn Duy được thể hiện qua chèo, tuồng, ngâm thơ mới, ca trù… thơ Jan Wagner (Đức) thì được chuyển thể sang Biến tấu thùng nước mưa; còn nhạc Trịnh Công Sơn được lồng vào ca nhạc cổ truyền Huế.

Sau mỗi lần thể nghiệm, từng thành viên của Đông Kinh Cổ Nhạc đều cảm thấy hồi hộp xen lẫn mừng rỡ, rồi hạnh phúc, khi nhận ra rằng, âm nhạc của cha ông dù xưa cũ đến đâu, thậm chí bên bờ vực thất truyền, nếu được giới thiệu đúng cách, đúng thị hiếu thì vẫn được chào đón nồng nhiệt bởi công chúng; vẫn có sức lan tỏa kỳ diệu, kết nối những tâm hồn, nuôi dưỡng tinh thần cho bao người, không phân biệt dân tộc, giới tính, độ tuổi.

Bên lề một buổi diễn, NSND Xuân Hoạch chia sẻ về âm nhạc dân gian cổ truyền và thế hệ trẻ ngày nay:

“Có những người họ bảo, hát thế này thì chỉ dành cho các ông già, bà già nghe, chứ thanh niên thì họ có nghe đâu. Tôi bảo, không, cứ làm đi, để cho người ta thích mới là điều khó nhất. Tại sao ngày nay, nhiều người trẻ hay đi nghe hát xẩm hoặc hình thức dân gian. Chúng tôi không ép, không bắt, mà tìm hướng để kéo họ về với bản ngã của ông cha mình. Có phải ai cũng thích Rock, Rap đâu. Có những em sinh viên tối nào cũng ra chợ Đồng Xuân nghe hát xẩm. Tôi hỏi, xem thế này không chán à. Họ bảo, không phải cháu là người ở quê, nông thôn, mà căn bản cháu thích âm điệu ấy. Đó là điều đáng mừng”.

Một vở diễn Quan âm thị kính được tái hiện

Góc nhìn của NSND Xuân Hoạch cũng là điều mà những nghệ sĩ trẻ tài năng đến từ các nhà hát dân tộc, những thành viên cũng tham gia trình diễn cùng Đông Kinh Cổ Nhạc tâm niệm, như NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Kim Liên, nghệ sĩ Hà Thảo… Họ không chỉ thể nghiệm những điều mới trong nước, mà cũng đem tiếng trúc, tiếng tơ, những làn điệu dân gian, kết hợp nhạc khí hiện đại với nhạc cụ cổ truyền để tạo nên những tiếng vang lớn ở các sân khấu nước ngoài, đem hoài bão giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam với bè bạn quốc tế.

NSƯT Kiều Oanh bộc bạch, chính sự miệt mài, tâm huyết của những người thầy, lớp nghệ sĩ đi trước là ngọn đuốc soi sáng cho lớp nghệ sĩ trẻ để bứt phá hơn nữa trên con đường nghệ thuật tìm tòi, khám phá những giá trị mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của công chúng.

“Thực sự, được biểu diễn cùng Đông Kinh Cổ Nhạc là sự vinh dự cho tôi. Nghệ thuật thì không có tuổi, càng những người lớn tuổi thì tất cả tinh hoa dồn nén, ở những nghệ nhân lớn tuổi. Các cô, các chú đã truyền lửa cho tôi động lực, mạnh dạn hơn nữa để bứt phá. Nghệ thuật là sự tìm tòi, song song với đó, tôi vẫn là một nghệ sĩ tuồng, vẫn gìn giữ những điều đã được học bao nhiêu năm trời về nghệ thuật cha ông để lại”.

Có thể nói, suốt 4 năm qua là quãng thời gian phiêu lưu đầy kỳ thú của các nghệ sĩ Đông Kinh Cổ Nhạc, thậm chí có thể gọi là giai đoạn thăng hoa đầy lãng mạn trong độ tuổi xế chiều. Họ vẫn hăng hái và bền bỉ trong việc đưa lời ca, tiếng hát và nhạc khí dân gian đến với đời sống, dòng chảy xã hội đương đại.

Họ, dẫu những vết đồi mồi in đậm dấu thời gian trên khuôn mặt, vẫn tỏa ra thứ khí chất, tinh thần đáng khâm phục mà thi sĩ Tản Đà từng ngợi ca trong bài “Sẩm chợ”. Họ, vẫn cần mẫn đem tiếng hát làm đẹp cho đời.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

NHNN đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng

Hôm nay (22/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng cho 15 tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia, giá tham chiếu 81,8 triệu đồng/lượng.

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Giá hàng hoá biến động trái chiều trước loạt rủi ro vĩ mô

Số liệu Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc tuần giao dịch 15 – 21/4, mặc dù giá hàng hoá biến động rất mạnh nhưng các mức tăng, giảm trái chiều khiến chỉ số MXV-Index chỉ nhích nhẹ 0,05% so với tuần trước đó, lên mức 2.329 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng đỉnh trong 7 tháng qua.

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

// //